Diện mạo du lịch mới tại bán đảo Sơn Trà, bán đảo Sơn Trà đã được UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, triển khai thực hiện việc lập quy hoạch phát triển du lịch theo tỉ lệ 1/5000 ngay từ cuối năm 2012 và vì vậy, bước sang năm 2013, khu vực này sẽ được đầu tư mạnh theo hướng phát triển du lịch bền vững và hấp dẫn du khách hơn.
Bán đảo Sơn Trà nằm trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, có diện tích gần 4.500 ha đất liền và biển, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía Đông Bắc, được khai thác mạnh về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trên thực tế, hiện chưa có ranh giới quản lý cụ thể, dẫn đến những khó khăn cho Ban quản lý trong việc phát triển tuyến, điểm tham quan cũng như các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái khác.
Chẳng hạn như việc quản lý các hoạt động du lịch tại bán đảo Sơn Trà được UBND thành phố giao cho Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tại Đà Nẵng đảm nhận, nhưng Chi cục Kiểm lâm thành phố quản lý về rừng, còn các khu vực thuộc phạm vi các dự án đã được cấp phép xây dựng thì đã giao cho nhà đầu tư quản lý. Việc khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như thế nào cho hợp lý chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.
Trước tình hình này, vào cuối năm 2012, UBND thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng và Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thực hiện việc lập quy hoạch phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà theo tỉ lệ 1/5000.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trong quý 1 của năm 2013, Ban sẽ đề xuất Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan một số kiến nghị quy hoạch chi tiết phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà theo tỉ lệ 1/5000, trong đó ưu tiên các khu vực, các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Đối với khu vực trên cạn, quy hoạch điểm tham quan nhà vọng cảnh với không gian đá nghệ thuật, tượng khỉ, quán cà-phê giải khát, sàn vọng cảnh vịnh Đà Nẵng; quy hoạch đỉnh Bàn Cờ với điểm nhấn là tượng Tiên ông, vườn sim, sàn vọng cảnh, quầy lưu niệm.
Ngoài ra, đề xuất quy hoạch xây dựng Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường với phòng chiếu phim, phòng trưng bày tiêu bản, khu vực bán giải khát, đồ lưu niệm… và các điểm tham quan như: hang Bà Đính, sân bay trực thăng cũ, vườn hoa – thuốc nam, vườn thú bán hoang dã, trạm rada 29, ngọn hải đăng Sơn Trà.
Cùng với quy hoạch xây dựng tuyến tham quan không gian xanh và tuyến vòng quanh bán đảo Sơn Trà (đã có chủ trương), đề xuất quy hoạch mới tuyến tham quan từ đỉnh Sơn Trà đi Tiên Sa với lối mòn đi bộ xuyên rừng, leo núi; tuyến tham quan suối và các loại hình khác như cầu cây xanh, cầu sinh thái, dù lượn không động cơ, khu cắm trại dã ngoại…
Còn đối với khu vực dưới nước, ban đề xuất quy hoạch các điểm tham quan như: Hòn Sụp, Hục Lỡ, Bãi Nồm, Bãi Bụt và các tuyến tham quan như: tour vòng quanh Sơn Trà bằng đường biển, tour ngắm biển đêm, tour dạo chơi đáy biển (seawalker tour) kết hợp các dịch vụ du lịch mới như: bè nổi câu cá, rớ quay, thúng đáy kính lặn san hô.
Với việc lập quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà theo tỉ lệ 1/5000, trong thời gian không xa nữa, khi triển khai đầu tư xây dựng, quản lý theo quy hoạch được phê duyệt, Sơn Trà sẽ là điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong và ngoài nước, mà còn là nơi nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí thú vị của người dân và những người đang công tác, làm ăn, sinh sống ở thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quý hiếm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu cũng sẽ được bảo vệ.
Theo : Cổng thông tin du lịch TP. Đà Nẵng