Du lịch mô-tô xuyên Việt dịp cuối tuần, tay xách máy tính xịn, áo quần bảnh bao, đi mô-tô khá “ngầu”, miệng nói tiếng Anh “bồi” như gió, tay đếm tiền đô… Đó là hình ảnh của những xe ôm “cao cấp” (hay còn gọi là easyrider) tại Đà Nẵng.
Phải sau hàng chục cuộc điện thoại trong thời gian dài, tôi mới gặp được anh Trương Văn Trọng (49 tuổi, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu), đội trưởng đội mô-tô du lịch xuyên Việt, chịu sự quản lý của Phòng Quản lý người nước ngoài thuộc Công an thành phố Đà Nẵng (PA61). Bởi lẽ, lúc thì anh bảo đang ở tận biên giới Lạng Sơn, khi lại vi vu nơi phố núi Đà Lạt mộng mơ cùng khách. Ngồi trò chuyện mà mắt anh không ngừng “dán” vào màn hình máy tính. Một lúc sau, anh gãi đầu cười: “Thông cảm, bệnh nghề nghiệp mà”.
Anh Trọng thổ lộ, ban đầu, các anh cũng là những xe ôm bình thường. Sau này Du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh, khách nước ngoài đến khá đông, đặc biệt là khách châu Âu. Phần lớn họ có sở thích du lịch bằng mô-tô chứ không chấp nhận đi bằng ô-tô, tàu hỏa. “Ban đầu cũng “ngại” lắm vì khách toàn yêu cầu đi tour tỉnh xa bằng xe máy. Sau rồi mình tập hợp anh em khoảng 20 người, toàn những người “bạo gan” nhận tour chở khách. Cứ thế đến nay đã gần 20 năm rồi”, anh Trọng nhớ lại.
Các anh còn lập hẳn trang web với tên miền www.easyridervn.com để du khách nước ngoài có thể tiện tra cứu và đặt tour. Khi đã đồng ý đi “phượt” (du lịch bằng mô-tô theo cảm hứng), khách sẽ gửi yêu cầu đi đến những nơi nào, bao lâu, các anh sẽ email bảng báo giá chung (hiện nay khoảng vài chục USD cho chuyến đi gần và vài trăm USD cho những chuyến đi qua 5-6 tỉnh, thành phố – PV). Khi khách chấp nhận mức giá trên sẽ chuyển một phần tiền qua tài khoản để đặt chỗ.
Theo anh Nguyễn Văn Hải (46 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), thành viên của đội mô-tô du lịch xuyên Việt, gắn bó với nghề đã nhiều năm, thì làm nghề này không chỉ phải có sức khỏe mà còn phải có “gan”. Xe chạy đường dài nên không thể tránh khỏi những tình huống mạo hiểm. Anh Hải còn nhớ, cách đây 5 năm, vào mùa mưa, khi đang chở một khách Tây trong chuyến “phượt” đến đèo Violắc, điểm mốc ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thì bỗng một mảng núi ở đoạn đường vừa đi qua sạt lở mạnh. “Sự cố” bất ngờ không khiến du khách sợ hãi mà trái lại họ còn kịp ghi lại khoảnh khắc đó trong sự thích thú. Chuyện đang đi mà gặp đất sạt lở hay thanh gỗ ào xuống đường đã không còn là chuyện hiếm gặp.
“Có khi nào các anh gặp cướp trên đường?”. Anh Hải cười đùa: “Hình như cướp nó sợ tụi mình nên nó né”. Nói là nói vậy chứ các anh cũng phải thủ sẵn một ít “võ” và kinh nghiệm tự bảo vệ để ứng phó khi qua những đoạn đường vắng. Không ít lần những easyrider gặp phải những đối tượng “xin đểu”. “Lúc đó thấy mình “cứng” nên cuối cùng tụi nó phải bỏ đi. Có lẽ trông mình và chiếc xe khá “ngầu” nên chúng cũng “gờm”. Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ tính mạng và tài sản của khách”, anh Hải thổ lộ. Trong hành trang của các anh, ngoài hộp đồ nghề y tế và vật dụng cá nhân, không thể thiếu cuốn sổ ghi số điện thoại của công an các địa phương.
Hơn 20 thành viên của đội mô-tô du lịch đều rất thạo tiếng Anh, có người còn nói được cả tiếng Pháp, tiếng Đức. Theo anh Hải, khách Tây đặc biệt thích kiểu du lịch homestay (du khách ăn cùng, ở cùng với dân địa phương). Một lần anh Hải và anh Trọng chở hai vợ chồng người Thụy Sĩ vào làng của dân tộc Cơtu ở Quảng Nam. Họ rất thích và tấm tắc khen mãi món cơm lam, cá trê – đặc sản nơi đây. Những phong tục, tập quán của người Cơtu như: chiếc váy ống sặc sỡ, những điệu múa đặc trưng, hương nồng ngất ngây lòng người của rượu Tà vạt níu chân những du khách phương xa bắt đầu từ những điều giản dị như thế. Có những lúc, chỉ có họ và khách ngồi sau xe máy chạy trên con đường làng. Có những lúc khách tham gia thêu thùa ở một làng nghề hay cùng cấy lúa trên một cánh đồng của người dân địa phương. Chỉ với chiếc xe máy, những easyrider đã mang cả văn hóa Việt đến với du khách.
Một điều đặc biệt nữa, hơn 60% du khách đi cùng easyrider là… khách nữ. “Đi cùng khách nữ thì phải thực sự “bản lĩnh” đấy (cười). Khách nữ đòi hỏi sự cẩn thận, chỉn chu hơn, nhu cầu về ăn ở cũng “kỹ” hơn nam giới”, anh Hải nói.
Mỗi khách một đặc tính mà easyrider phải thuộc nằm lòng. Người Hà Lan thích ngắm cảnh đồi núi, ăn các món dân dã kiểu thôn quê. Khách Đức thì ăn ở phải cầu kỳ hơn, ở khách sạn… Những cảm nhận, tình cảm du khách dành cho các anh đều được chia sẻ trên trang mạng. Điều này là sự động viên lớn nhưng cũng là áp lực để mỗi easyrider phải cố gắng nhiều hơn để giữ hình ảnh và uy tín của mình.
Theo : baodanang