Phố cổ Hội An nằm soi bóng dưới dòng sông Hoài trầm mặc là điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước mà còn cả với du khách nước ngoài. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng của vùng đất cổ kính đã tồn tại suốt 4 thế kỉ qua. Du lịch Hội An mà chưa đến chùa Cầu thì quả là một thiếu sót rất lớn.
Chùa Cầu – dấu tích Nhật Bản còn sót lại
Nằm trong khu đô thị cổ Hội An, chùa Cầu trước đây vốn là một cây cầu được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào đầu thế kỉ 17 nên được người dân gọi là cầu Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, cây cầu là một thanh gươm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Đến năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra từ giữa nên từ đó bắt đầu gọi bằng tên chùa Cầu. Đây là công trình kiến trúc hiếm hoi được coi là có gốc tích Nhật Bản.
Mặc dù vậy, chùa vẫn mang nét kiến trúc đặc trưng của Việt Nam với mái ngói âm dương phủ kín chiều dài cây cầu khoảng 18m. Trên cửa chính của chùa có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều” với ý nghĩa là “bạn từ phương xa đến.
Điểm đặc biệt của chùa Cầu đó là không thờ Phật như những ngôi chùa khác mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui, hạnh phúc và những điều tốt đẹp đến cho con người.
Cầu có thiết kế độc đáo với mái che, ở giữa là lối đi lại, hai bên là hành lang hẹp làm nơi nghỉ chân của du khách với 7 gian bằng gỗ. Chùa làm bằng gỗ, được sơn son, trạm trổ nhiều họa tiết công phu, hài hòa, có sự kết hợp độc đáo giữa các phong cách kiến trúc Nhật Bản, Việt Nam, Trung Hoa.
Mặt chính của cây cầu hướng ra dòng sông Hoài thơ mộng, hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cây cầu được xây từ năm thân đến năm tuất mới hoàn thành.
Chùa Cầu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của người dân Hội An. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu song chùa vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính vốn có. Chính bởi vậy, chùa thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Tuy nhiên, dù đã trải qua 7 lần tu bổ lớn và quy mô, đến nay chùa đã bị xuống cấp cực kì trầm trọng. Với những giá trị lịch sử và giá trị văn hóa to lớn mà chùa Cầu mang lại, di tích này xứng đáng là biểu tượng tâm linh không thể thay thế trong lòng người Việt Nam.