Bước xuống động Âm Phủ

Tour du lịch Đà Nẵng giá rẻ vào mùa lễ Vu Lan báo hiếu có rất nhiều điểm đến hay và thú vị. Một trong số đó là động Âm Phủ, ta bước xuống động Âm Phủ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà là để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn!

Vào động Âm Phủ

Lối vào động Âm Phủ kỳ bí

Lối vào động Âm Phủ kỳ bí

Theo thuyết âm dương, ngũ hành của kinh Dịch, thì nơi đây là cái rốn của vũ trụ, phát tiết tinh anh trời đất. Chuỗi hang động núi Ngũ Hành là một thế giới kỳ bí, lạ lùng với cấu trúc và sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, động Âm Phủ là một trong những hang động kỳ vĩ và huyền bí nhất của cụm núi Ngũ Hành.

Mua vé 15.000 đồng, du khách vượt qua cầu Âm Dương trên sông Nại Hà lần mò tiến vào xâm nhập “Âm Phủ”. Lối đi âm u, lúc sáng, lúc tối, gió thổi vi vu luồn sâu vào hang động hun hút. Thỉnh thoảng có một vài con dơi bay chập chờn bám vào vách đá kêu “chen chét” khiến du khách phải giật mình ớn lạnh!

Giữa động trung tâm thoáng rộng có tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát là vị chúa tể của chốn Âm cung ngồi chễm chệ như đang phán xét. Đi sâu vào bên trái động có hàng loạt pho tượng bằng đá cẩm thạch trắng của các vị Chúa ngục cai quản chín tầng, mười hai cửa ngục.

Động Âm Phủ có hai ngách lớn, đó là lối lên thiên đàng và đường xuống địa ngục. Âm phủ là thế giới của người đã chết. Nơi đây, con người sẽ được Phán quan xét tội và Diêm vương phán quyết hình phạt. Người thiện sẽ được siêu thoát lên thiên đàng, kẻ gian ác sẽ bị đày xuống chín tầng địa ngục.

Giám Kính Đài của động Âm Phủ

Giám Kính Đài của động Âm Phủ

Thiện và ác sẽ được phân minh bởi cán cân công lý không bao giờ lầm lẫn. Theo luật âm ty, các linh hồn bất kể là ai, sau khi đã được xét xử, chịu hình phạt, trước khi đầu thai lại kiếp khác phải ăn một bát “cháo lú” để quên hết quá khứ…

Có cả thảy 12 cửa ngục do 12 vị pháp quan cai quản. Lối vào các cửa ngục thường nhỏ hẹp, đôi khi phải nghiêng mình lách qua, ngục phình rộng ra ở phần giam giữ tội nhân. Du khách sẽ gặp những phù điêu, tượng đắp mô tả sinh động cảnh quỷ “đầu trâu, mặt ngựa” hoặc quỷ “đầu hổ, mặt gấu” hành hình, tùng xẻo những người có tội rất khủng khiếp như: cưa hai nấu dầu, móc cắt lưỡi, chặt đầu, mổ bụng, bị bắt ngồi bàn chông, bị trói cột đồng cho lửa đốt, bị đinh ba (chĩa ba ngạnh) đâm vào bụng… Trong ánh sáng chập chờn, mờ ảo, ta có cảm giác rờn rợn như thật sự lạc vào chốn địa ngục.

Không gian âm u tạo ấn tượng cho du khách khi tham quan động.

Trái ngược với sự âm u lạnh lẽo của Âm Phủ, “đường lên thiên đàng” tươi sáng dần từ dưới đi lên. Dọc đường, du khách gặp khá nhiều tượng, tranh vẽ các vị thần tiên, bồ tát như: Bát Tiên, Phật Bà Quan Âm, thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, Phật Tổ Như Lai và cuối cùng sẽ gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tây Vương mẫu và các vị thần thánh, chư tiên cùng các tiên nữ xinh đẹp đang vui vầy múa hát nơi chốn Bồng lai Tiên cảnh.

Cảnh giữa Âm Phủ và thiên đường gây ấn tượng khá mạnh cho người tham quan, khiến du khách thường có nhiều cảm xúc và ý nghĩ khi đã xâm nhập vào chốn này. Động Âm Phủ ở Ngũ Hành Sơn với vẻ độc đáo, kỳ vĩ cùng với những truyền thuyết dân gian, ngày nay đã trở thành điểm tham quan, khám phá hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Non Nước – Ngũ Hành Sơn.

Cũng ở động Âm phủ, khách sẽ được chứng kiến Phật tích “Mục Kiền Liên – Thanh Đề”, một câu chuyện nhân quả đầy tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong động Âm Phủ, lối xuống Địa Ngục Môn có các cửa ngục được sắp đặt từ cao xuống thấp và dưới cùng là ngục A Tỳ, nơi giam giữ bà Thanh Đề vốn gây nhiều tội lỗi. Con trai bà là Ngài Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được. Song Ngài vẫn tâm nguyện tu luyện để chuộc tội cho mẹ.

(Tổng hợp trên internet)

Bookmark and Share

Notice: WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1! "caller_get_posts" is deprecated. Use "ignore_sticky_posts" instead. in /home/tourdanang/domains/tourdanang123.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 3737