Thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

Thăm danh thắng khu du lịch Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng , di tích thắng cảnh nơi đây là một cụm núi đá vôi thấp nằm trên một dải các ven biển thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía Đông – Nam khoảng 7km. Ngũ Hành Sơn có 6 ngon núi: Thuỷ Sơn và Mộc Sơn ở phía Đông, còn Thổ Sơn, Kim Sơn, Dương và Âm Hoả Sơn ở phía Tây đường tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, nằm trên khu đất dài khoảng 2km, rộng khoảng 800m, phía Đông có biển Đông, Phía Tây có sông Trường Giang, phía Nam là phường Hoà Quý, phía bắc là phường Khuê Mỹ

Theo tài liệu địa chất thì ban đầu Ngũ Hành Sơn là những hòn đảo trên biển đông, gió và nước đã xâm thực tạo thành những hang động, do quá trình biển lùi, nhóm đảo này được nối liền với lục địa và trở thành 6 ngọn núi như ngày nay.

Du lịch Đà Nẵng tại Ngũ Hành Sơn

Du lịch Đà Nẵng tại Ngũ Hành Sơn

Núi Ngũ Hành Sơn không cao lắm, ngọn Thuỷ Sơn cao nhất chỉ có 106m, sườn núi dốc đứng cheo leo, cây cỏ lơ thơ. Chân núi hình bầu dục, chiều dài nằm theo hướng Đông – Tây. Tuy có 6 ngọn núi khác nhau về kích thước, nhưng hình dạng na ná giống nhau. Nhìn từ xa núi có màu lục nhạt, xanh tím, tím xám…mỗi buổi một màu, mỗi mùa một sắc, thay đổi theo sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời.

Đá ở đây là loại cẩm thạch (marbre), sáng đục màu trắng sữa, hồng phấn, xám có vân đỏ, nâu đen, xanh đậm…không cứng lắm, thợ đá địa phương dùng tạc tượng và đồ mỹ nghệ, trang trí…

Người Tây phương trong những chuyến vượt biển sang vào năm 1749 đã gọi nhóm núi này là “Montagne de Singes” tức núi Khỉ (vì trước kia có nhiều khỉ ở). Vào năm 1845 họ gọi đay là “Rocher de Faifo” (Núi Faifo) và sau cùng có tên gọi là “Montagne de Touran (Núi Đà Nẵng) hoặc “Montagne de Marbre” (Núi đá Cẩm thạch).

Các nhà nho trong xứ đặt tên núi bằng Hán tự: “Ngũ Uẩn Sơn” (Núi năm chòm) ghi trong một bi ký ở Thuỷ Sơn; “Phổ Đà Sơn” khắc trên một tảng đá ở Dương Hoả Sơn, “Ngũ Chỉ” (năm ngón tay) theo tài liệu nhà chùa.

Năm 1837, trong một chuyến viếng thăm núi, vua Minh Mạng đã dựa theo nguyên lý của Khổng Giáo đặt tên nhóm núi này là “Ngũ Hành Sơn”, duy trì tên gọi từ thời Gia Long là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn, riêng Hoả Sơn có hai ngọn kề nhau là Dương Hoả Sơn và Âm Hoả Sơn. Thông thường, người dân xứ Quảng gọi nôm na là “hòn Non Nước”.

Tháng 6 năm 1825, lần đầu tiên vua Minh Mạng đến viếng Ngũ Hành Sơn, nhà vua đã cho xây dựng chùa Tam Thai, điện Hóa Nghiêm. Năm 1826 Minh Mạng lại cho đúc 9 tượng phật và 3 chiếc chuông lớn cho chùa Tam Thai và sau các lần viếng thăm, vua đều cho xây dựng và tu sửa các chùa miếu.

Năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn, đó là:

1- Thủy Sơn:

Ngọn núi Thủy Sơn còn gọi là Hòn Non Nước, trong nhóm Ngũ Hành Sơn, thì Thủy Sơn là cao hơn hết (106m) và có nhiều cảnh đẹp tập trung ở nơi đây. Núi có 3 đỉnh: Thượng Thai (là nơi có chùa Tam Thai), Trung Thai (là nơi có nhiều hang động như động Vân Thông), Hạ Thai (là khu vực chùa Linh Ứng), có 2 đường lên núi: một đường ở hướng Tây – Nam dẫn lên chùa Tam Thai, một đường ở phía đông có 108 bậc cấp, dẫn lên chùa Linh Ứng. Trên ngọn Thủy Sơn có các chùa và hang động sau:

Chùa Tam Thai:

Phía bắc sân chùa là Hành Cung, đây là nơi các vua tạm nghỉ khi thăm chùa. Bên phải sân chùa là nhà thờ tổ, phía trước nhà thờ tổ lên mấy bậc cấp là đến Vọng Giang Đài, đứng nơi đây có thể nhìn bao quát vùng đất Ngũ Hành Sơn, với cảnh đẹp của đồng ruộng và sông ngòi, tại đây có tấm bia bằng sa thạch ghi 3 chữ Hán lớn “Vọng Giang Đài” và mấy chữ nhỏ ghi năm dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” tức bia được lập vào ngày tốt, tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Dưới chân đài về phía tây là tháp Phổ Đồng và chùa Từ Tâm.

Chùa Linh Ứng:

Cũng như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng tọa lạc trên ngọn Thủy Sơn, đây cũng là ngôi chùa cổ. Dưới thời vua Cảnh Hưng triều Lê, có một vị ẩn sĩ đến tụ tại động Tằng chơn, ngài dựng một am nhỏ bằng tranh gọi là “Dưỡng Chơn am”, một thời gian sau dựng lại thành một gian nhà tranh gọi là “Dưỡng Chơn đường”. Khi Gia Long đến viếng Ngũ Hành Sơn, nhà vua đã cho xây dựng ngôi chùa tại đây, đặt tên là “Ngự chế Ứng Chơn Tự” được coi là quốc tự, do Bảo Đại đại sư làm trụ trì. Đến thời Thiệu Trị, chùa được đổi tên là “Linh Ứng Tự”. Cũng như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng cũng bị tàn phá bởi một trận bão năm 1901, sau đó được xây dựng lại. Trong chùa thờ Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Di Đà, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Thập Bát La Hán…

Động Hóa nghiêm:

Từ cổng sau chùa Tam Thai, rẽ bên trái là đường dẫn đến động Hóa Nghiêm và động Huyền Không, trước khi vào động có cổng xây bằng vôi vữa khắc 3 chữ Hán “Phổ Đà Sơn”, trong động có thờ tượng Quan Thế Âm cao gần vòm động Hóa Nghiêm. Trong động Hóa Nghiêm còn có một tấm bia ghi lại công đức những người có lòng hảo tâm từ các địa phương khác nhau, đóng đóng góp xây dựng chùa và các tượng phật, trên trán bia có ghi mấy chữ Hán: “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”, bia được tạc trực tiếp vào trong vách đá.

Động Huyền Không:

Phía bên trái động Hóa Nghiêm có một lối đi xuống 15 cấp bậc, đó là động Huyền Không. Động này rộng và cao, trên trần có một lỗ thông thoáng khá lớn, ánh sáng theo đó tràn vào làm cho động có vẻ lung linh huyền ảo, vách động lồi lõm, thạch nhũ chảy dài xuống tạo thành nhiều hình động vật, có cái tựa như đầu voi, có cái tựa như chim khổng tước…hai bên bậc cấp lên xuống có tượng Tứ Hộ Pháp (thường gọi là 2 ông Thiện và 2 ông Ác). Trên cao chính giữa vách động trước kia có bàn thờ Ngọc Hoàng, nay đã thay thế bằng một tượng Phật Thích Ca bằng xi măng. Ngay ở dưới bàn thờ Địa Tạng Vương, bên phải động có miếu thờ Lôi Phi, bên trái động có miếu thờ Ngọc Phi. Vách động bên phải có miếu Trang Nghiêm thờ các tượng phật, hai bên thờ Thập Điện Diêm Vương. Vách bên trái thờ Quan Công, trong góc động cạnh lối ra vào thờ Tam Đa (Phước, Lộc, Thọ). Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất ở danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Động Linh Nham:

Đọng nằm phía sau lưng bên trái chùa Tam Thai, hang động hẹp không có gì là đặc sắc, trước kia có bàn thờ Quan Thế Âm, nay đươc thay bằng tượng Ngọc Hoàng được mang từ động Huyền Không về.

Vân Nguyệt Cốc:

Theo con đường phía sau chùa Tam Thai đi về hướng đông, hang Vân Nguyệt cốc nằm ở bên trái, là một hang lộ thiên, phía tây cửa là động Tiên Phước Địa, phía đông là hang Vân Căn Nguyệt Quật, trên mỗi cửa hang đều có khắc tên bằng chữ Hán. Phía bắc Vân Căn Nguyệt Quật là là cửa vào Thiên Long cốc, hang sâu thăm thẳm, thông với hang Gió ở phía sau chùa Linh Ứng.

Động Vân Thông:

Ở phía nam Vân Nguyệt Cốc, trên lưng chừng sườn núi có một cửa động hình tròn, đó là động Vân Thông, còn gọi là “đường lên trời” đường vào động tối và hẹp, thông lên đỉnh núi chỉ có một lối nhỏ vừa một người đi. Trong động có tấm bia ghi 3 chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn”, đây cũng là một tấm bia cổ được tạc trực tiếp vào vách đá, cách cửa hang chừng 5m có một pho tượng Phật bằng xi măng.

Động Tàng chơn:

Nằm ở phía sau lưng chùa Linh Ứng, động khá lớn, chia làm 3 hang và 3 động, từ ngoài vào qua cửa đá là động Chơn Tiên, chính giữa là bàn thờ Lão Tử, bên phải thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cương. Phía trong bên trái là động Tam Thanh, có hai tượng Hộ Pháp dựng ở lối vào hang sáng sủa, nền có gạch Chăm rải rác. Trước kia động thờ 3 vị Thượng Thanh, Thái Thanh và Ngọc Thanh, ngày nay đã thay bằng một pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng xi măng, trong góc bên trái có một đường cấp dẫn đến một nền đá bằng phẳng, gió mát lạnh đó là hang Gió, hang thông với Thiên Long Cốc, gió lùa thoáng mát theo các lỗ thông với đỉnh và động Chơn Tiên.

Hang Giám Trai, Hang Lồng Đèn.

Nằm ở phía sau chùa Linh Ứng về phía bắc, hang Giám Trai tối đen lòng hang gồ ghề cạnh đó là hang Lồng Đèn (còn gọi là hang Ngũ Cốc), bên trong có nhiều thạch nhũ trông giống như lòng đèn, quả bí, hạt lúa…

Bên cạnh hang về phía nam có một hang sâu được gọi là Giếng Tiên.

Hang Âm Phủ:

Nằm dưới chân Thủy Sơn, khoảng giữa hai đường bậc cấp lên xuống. Cửa hang trước kia hẹp, ngày nay đã mở rộng, đường vào hang sâu hun hút, tối đen gập ghềnh, có nhiều ngách, vào sâu chừng 40m thì đến một khoảng hang rộng, ở phía tây có một lối xuống đến chỗ rộng hơn có hang sâu hình trụ như miệng giếng, có nhiều lỗ thông lên đỉnh núi. Hiện nay hang Âm Phủ đã được cải tạo và xây thêm một số hạng mục theo truyền thuyết Phật giáo để phục vụ khách tham quan.

2- Kim Sơn:

Hòn Kim Sơn nằm giữa Thổ Sơn và Hỏa Sơn, dáng trông như một quả chuông úp, ngoài những hang động nhỏ nhất có từ xưa, năm 1950, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nhân dân địa phương chạy lánh giặc đã phát hiện ra một động lớn. Năm 1956 nhà sư Thích Pháp Nhãn đã mở rộng lối vào động và cho xây chùa bên cửa động đặt tên là chùa Quan Âm và động cũng gọi là động Quan Âm.

Động Quan Âm

Động Quan Âm, cửa động nằm ở phía tây – nam, động sâu hun hút và tối tăm, các thạch nhũ trong động tạo thành các hình dáng kỳ lạ, nhiều người đã tưởng tượng ra các tượng Hộ Pháp, Tề Thiên, Quan Âm, công múa, phụng bay…theo hình dạng của thạch nhũ, giữa động có một thạch nhũ lớn như một cột trụ từ vòng động xuống đến đất gõ kêu bon bon gọi là chuông nhà Phật, đối diện với vách có một tấm đá hình tròn nhô ra, đánh kêu thùng thùng gọi là trống nhà Phật. Trong ngách hang cuối cùng có một dòng suối ngầm nhỏ và thạch nhũ, trông như một con cá sấu.

3- Mộc Sơn:

Theo đường Đà Nẵng đi Hội An thì Mộc Sơn nằm ở phía đông, tuy gọi là Mộc Sơn nhưng đây lại là một núi có ít cây cối nhất, sườn dốc dựng đứng.

Mộc Sơn có một hòn đá trông giống hình người, có người gọi là đá Cô Mụ, có người gọi là tượng Quan Âm. Núi chỉ có một cái hang nhỏ, tương truyền là nơi tu hành của một sư nữ có tên là bà Trung. Ngày nay Mộc Sơn đã bị phá hoại nặng nề làm mất đi vẻ đẹp xưa kia. Hiện nay dưới chân núi Mộc Sơn có mộ hai ông bà người họ Lê (niên đại thế kỷ XVII) và Nhà thờ Tổ nghề điêu khác đá. Đây là những di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa của địa phương.

4- Âm và Dương Hỏa Sơn:

Nằm ở phía tây nam Thủy Sơn, Âm Hỏa Sơn nằm ở phía ngoài, Dương Hỏa Sơn ở phía trong cạnh Kim Sơn, khoảng giữa hai ngọn Âm và Dương Hỏa Sơn là một khoảng đất trống, có phế tích tháp Chăm.

Dương Hỏa Sơn có một động nhỏ, khắc chữ Hán “Phổ Đà Sơn” trên cửa động. Ở sườn phía bắc núi này có động khá lớn còn gọi là động Huyền Vi, đường vào khúc khuỷu, trên vách động thạch nhũ tạo thành nhiều hình dạng ngoạn mục.

Âm Hỏa Sơn có một động nhỏ ở phía nam, cửa vào rộng rãi, trên cửa hang có khắc mấy chữ Hán “Chư Tiên Khách Hội Động”, trong động có nhiều ngách sâu, bị bỏ hoang lâu ngày nên cửa động bị cây cói phủ lấp.

5- Thổ Sơn:

Năm về phía tây Thủy Sơn, cỏ cây thưa thớt, núi thấp bị phá hoại nhiều, trong khu vực này có một dấu tích của một kiến trúc Chăm.

Dưới chân núi Thổ sơn, năm 2000 và 2001 đã phát hiện được các di chỉ khảo cổ học có giá trị như di chỉ Nam Thổ Sơn, di chỉ Vườn Đình Khuê bắc.

(Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng)

Ngũ Hành Sơn không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Nam – Đà Nẵng mà con là một di tích lịch sử- văn hóa với làng nghề thủ công mỹ nghệ, tạc tượng đá lưu truyền dưới chân núi Thủy Sơn. Ngày nay, Ngũ Hành Sơn là một điểm thăm quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, khi tham gia tour đi Du lịch Đà Nẵng quý khách không thể bỏ qua địa điểm này.

 

Bookmark and Share

Notice: WP_Query was called with an argument that is deprecated since version 3.1! "caller_get_posts" is deprecated. Use "ignore_sticky_posts" instead. in /home/tourdanang/domains/tourdanang123.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 3737