Nguồn đầu tư ” Nước ngoài ” vào du lịch tại Đà Nẵng, thiên nhiên tươi đẹp, con người cần mẫn, chính sách kêu gọi đầu tư tích cực… là những điểm nhấn thu hút các doanh nghiệp (DN) “ngoại” đến với Đà Nẵng.
7 năm trước, ông Cho Gun Whan, khi làm việc tại Hà Nội (ông là Giám đốc Ngân hàng Woori Chi nhánh Hà Nội, Trưởng đại điện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) đã nhiều lần đi công tác ở Đà Nẵng và cũng có vài lần đi du lịch tại miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Lúc đó khó khăn của ông là không tìm ra nhà hàng nào có bán các món ẩm thực Hàn Quốc trên những nơi ông qua. Thế là ông nảy ra ý tưởng mở một nhà hàng chuyên doanh ẩm thực của đất nước mình tại Đà Nẵng.
Một công đoạn sản xuất cần câu cá ở Daiwa Việt Nam trong KCN Hòa Khánh. (Ảnh do Bản tin Công thương Đà Nẵng cung cấp).
Duy nhất tại Việt Nam
Thế là Nhà hàng Sơn Hào Hải Vị (SHHV) ra đời, giới thiệu các món ăn truyền thống Hàn Quốc tại Lô 8, đường Hoàng Sa, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Nói đến ẩm thực Hàn Quốc là người ta nghĩ đến kim chi và thịt nướng, nhà hàng nằm bên bãi biển Đà Nẵng này cũng thế. Chị Nguyễn Thanh Hà, quản lý nhà hàng cho biết, ở đây có món ăn đặc trưng của người Hàn như thịt bò Bulgogi nướng, cơm trộn trong tô đất, cơm cuộn rong biển… đều dùng chung với một số thức ăn phụ đi cùng mà chủ đạo là món kim chi.
Người Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng lâu nay vốn đã thích nét Hàn Quốc rất riêng trong phim ảnh, thời trang… và cả đến phong cách. Vì thế, việc cho ra đời SHHV ở Đà Nẵng cũng là cách mà nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi muốn tạo một không gian riêng để các thực khách người Việt thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc “mắt thấy tai nghe” chứ không phải qua phim ảnh. Ngay cả những công dân xứ Hàn trên đất khách quê người cũng có nơi chốn để tìm lại hương vị ẩm thực “gin” đất nước mình do chính đầu bếp đồng hương trực tiếp chế biến.
Vừa qua, Hãng hàng không Korean Air liên hệ với SHHV nhờ đầu bếp đứng ra hướng dẫn các món ăn Hàn Quốc cho các nhân viên người Việt để giới thiệu trên các chuyến bay của hãng. Hiện cả nước duy nhất chỉ có một nhà hàng SHHV tại Đà Nẵng và ông Cho Gun Whan rất lạc quan: “Đà Nẵng có một bãi biển rất quyến rũ không phải nước nào cũng có, tôi nghĩ sau này Đà Nẵng sẽ phát triển không kém gì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó sẽ có nhiều khách du lịch quốc tế, trong đó có cả Hàn Quốc, đến du lịch Đà Nẵng, và họ sẽ không quên ghé qua SHHV”.
Thứ nhất tại Đà Nẵng
Năm 1996, Nhà máy Mabuchi Việt Nam được thành lập tại KCN Biên Hòa gần TP. Hồ Chí Minh. Ông Sakurai Hiroyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, cho biết sau đó đơn vị xem xét đến việc mở rộng quy mô cho nhà máy này. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh lại xảy ra tình trạng khó bảo đảm nguồn nhân lực do thường xuyên phát sinh tranh chấp lao động và phí nhân công cao. “Sau khi khảo sát các vùng miền để đầu tư ở Việt Nam, nhận thấy Đà Nẵng đang có các lợi thế cạnh tranh về nhân lực, quan hệ Việt – Nhật cũng rất tốt, chính quyền Đà Nẵng và khu công nghiệp có những chính sách kêu gọi đầu tư tích cực nên chúng tôi đã quyết định đầu tư vào Đà Nẵng”, ông Sakurai Hiroyuki nhớ lại.
Tháng 9-2005, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cùng với Công ty Mabuchi trở thành hai DN Nhật tiên phong trong lĩnh vực gia công, lắp ráp tại Đà Nẵng. “Những chính sách kêu gọi đầu tư tích cực” của Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả khi 3 năm sau, tháng 6-2008, Daiwa Việt Nam chính thức khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới của Tập đoàn Daiwa tại KCN Hòa Khánh với tổng mức đầu tư của toàn dự án là 35 triệu USD.
“Đất lành” Đà Nẵng đã mở ra cơ hội phát triển cho các DN nước ngoài. Tại hội thảo “Môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng từ góc nhìn của DN đang hoạt động tại Đà Nẵng và phương hướng cải thiện” tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm ngoái, ông Iwama Shinichi, Chủ tịch Công ty Daiwa Seiko, Chủ tịch Chi hội DN Nhật tại Đà Nẵng, thổ lộ: Năm 2007, Daiwa có 400 nhân viên với doanh thu đạt 300 triệu USD, đến nay số nhân viên đã tăng gấp 5 lần và doanh thu đã tăng gấp 10 lần. Không riêng gì Daiwa, các DN Nhật khác tại Đà Nẵng như Công ty Mabuchi, Công ty Toko, Công ty Yonezawa Việt Nam, Công ty Điện tử Foster cũng có số nhân viên và doanh thu đạt mức tăng trưởng bền vững.
Người Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, trong mắt nhìn của Tổng Giám đốc Mabuchi Motor Đà Nẵng, nhìn chung làm việc rất chăm chỉ, có trái tim nhân hậu luôn hướng về mối quan hệ bạn bè và gia đình. Lao động Việt Nam luôn luôn tuân thủ những quy tắc công ty đặt ra một cách nghiêm ngặt nên luôn luôn đạt được những thành tích như kỳ vọng. Trong số những người Đà Nẵng ông từng gặp, đặc biệt là nhân viên nữ của công ty, họ rất có phong cách. Ông thấy có nhiều người đã tự cắt sửa lại đồng phục của mình cho vừa người để mặc đi làm.
Các doanh nhân Nhật Bản đều nhận định chung rằng: công nhân địa phương chăm chỉ, hiền lành nhưng tính kỷ luật và kỹ năng làm việc nhóm còn hạn chế, nếu đào tạo tốt thì chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Thiên nhiên tươi đẹp, con người cần mẫn, chính sách kêu gọi đầu tư tích cực… là những điểm nhấn thu hút các DN “ngoại’ đến với Đà Nẵng. Trong đó, theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố Đà Nẵng, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ nhất về số dự án đầu tư và đứng thứ 5 về số vốn đầu tư FDI tại Đà Nẵng với hơn 80 dự án FDI có tổng số vốn đầu tư trên 300 triệu USD, sử dụng 25.000 lao động.
Theo : VĂN THÀNH LÊ