Đà Nẵng không chỉ có biển, với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn rất nhiều địa điểm thăm quan ở Đà Nẵng được xếp trong lịch trình tour du lịch Đà Nẵng.
Tọa lạc tại kiệt 42, đường Phan Chu Trinh, thuộc Tổ 6, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đình Hải Châu là một trong những điểm thăm quan nổi tiếng, được nhiều du khách ghé thăm.
Nằm trong khuôn viên rộng 3.500 m2 giữa lòng thành phố Đà Nẵng, Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng.
Đến Đình Hải Châu du khách sẽ được chứng kiến một hài hoà và có lối kiến trúc đẹp, tao nhã. Trước mặt đình là hồ nước xanh hình chữ nhật, bước qua khoảng sân rộng lộng gió là nhà thờ chính của đình bao gồm nhà Tiền Đường được xây cất theo kiểu truyền thống một gian hai chái, hai dãy nhà hành lang nối liền phía sau đến ngôi Chính Điện. Chính Điện cũng được xây cất theo lối ba gian hai chái. Tất cả các khu nhà đều được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch.
Trên cổng Tam Quan vẫn còn rõ tên “Hải Châu Chánh Xã” bằng chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu và Nhà thờ Tiền Hiền. Đến với Đình Hải Châu, du khách sẽ có cơ hội ngắm nghía 9 bức hoành phi được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Bảo Đại; mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn và cũng là niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, bên trong Đình Hải Châu còn có 3 tấm bia đá cẩm thạch, trong đó có một tấm được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), bên trên bia chạm hai con rồng đường nét sắc sảo, uyển chuyển theo thế “lưỡng long triều nguyệt”. Đặc biệt, ngôi đình cổ vẫn còn bảo tồn được một quả chuông đồng cao 1,3 m, đường kính miệng rộng 0,7 m, có niên đại hàng trăm năm. Đình được Bộ văn hóa thông tích công nhận là di tích lịch sử vào ngày 12/7/2001.
Đặc biệt hàng năm Đình tổ chức lễ hội truyền thống là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của làng quê Việt với biểu tượng đặc trưng chính là đình làng, nơi thờ phụng Thành Hoàng làng, thờ những người có công khai hoang lập ấp, góp phần làm phong phú thêmđời sống văn hóa tinh thần, thể hiện nét văn hóa độc đáo, hướng về cội nguồn tổ tiên của người dân Hải Châu nói riêng, người dân Đà Nẵng nói chung.
Đây chính là là dịp hội tụ của những người con quê hương và đón những người con xa xứ trở về; là ngọn lửa toả sáng hồn quê, soi cho muôn lớp cháu con hôm nay và mai sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc, cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương.